Thứ Năm, 23 tháng 8, 2007

Như dòng sữa mẹ

Như dòng sữa mẹ
Ảnh: Trần Đăng Khoa
TT - Bao biến cố nghiệt ngã của cuộc đời không làm suy suyển lòng mẹ thương con. Trước nghịch cảnh, lại càng thấy không chỗ nương tựa nào ấm áp như tình mẹ. Và nước mắt của mẹ cũng không gì thay thế được...
“Con nằm liệt giường khi mẹ đã 59 tuổi, bây giờ mẹ đã 79 tuổi. 20 năm rồi con ạ, mẹ không bao giờ rời xa con đâu” - bà Hai ngồi đó và cứ vuốt tóc con, nhẹ nhàng. Người già ai cũng khó ngủ, còn bà bắt buộc mình không được ngủ, từ lâu rồi. Người già ai cũng có nhiều cái lo, nhưng cái lo của bà quá lớn và dài đăng đẳng. Hai mẹ con bà đã chuẩn bị tinh thần: nếu bà mất, bà sẽ gửi con vào trung tâm an dưỡng ở Long Hải.
“Ráng lên con, có mẹ nè!” - bà Hai động viên anh Hiến mỗi ngày - Ảnh: Y.Trinh
1. Chiều tối của một ngày cách nay 20 năm, trời mưa gió mù mịt, ai đó đập cửa. Một người lạ chỉ kịp hỏi: “Con trai bà tên Huỳnh Lập Hiến phải không? Hiến bị thương vừa chuyển từ chiến trường K về, đang nằm ở Bệnh viện 175”. Bà Hai thấy loạng choạng như đi trên nền đất sụp.
Chụp cái nón lá, có ai đó đưa bà tới bệnh viện. Mưa. Mẹ gặp con đang nằm yên trên giường trắng toát. Vết thương phía sau lưng. Trong những phút tỉnh lại sau cơn đau, anh Hiến chỉ biết rằng mình đã bị lọt vào ổ phục kích ở vùng Núi Hồng giữa vùng rừng núi đất bạn. Hai mẹ con ôm nhau khóc.
Bắt đầu những ngày tháng bà Hai ở bệnh viện. Những tưởng tính bằng ngày, sau đó dần thành tháng, thành năm và nhiều năm. Người ở bệnh viện cho hay bà có sáu năm ăn ở suốt trong bệnh viện để nuôi con. Nuôi từ khi tóc bà còn ít bạc cho đến giờ đã bạc trắng. Bà ở bệnh viện từ khi cơ thể con còn lành lặn, khi hai bàn chân con còn nguyên vẹn cho tới lúc cắt dần chỉ còn một chân. Bà xòe bàn tay rồi nói cho con vui: “Chủ nhà cũng là tui, đầy tớ cũng là tui, má nó cũng là tui mà y công, y tá cũng tui luôn!”.
Anh Hiến kể lại anh mổ đến chín lần, chuyển đi khắp các bệnh viện ở TP.HCM. “Thâm niên” nhất là Viện quân y 175, nơi mà trưởng khoa thời đó là bác sĩ Tín còn nói với anh: “Khối lượng thuốc anh đã uống còn nặng hơn cơ thể anh nữa!”. Anh Hiến thuộc lòng từng đợt mổ của mình: lưng, bụng, bàng quang, hai bên đùi, dọc chân, cắt chân…
Tất cả trải ra trong sáu năm, từ Viện 175 sang Bệnh viện Nguyễn Trãi, Bình Dân, Chợ Rẫy, Trung tâm Phục hồi chức năng... Tài sản của bà Hai còn lại đến nay là một giỏ “đồ nghề” để dưới chân cầu thang. Trong đó đầy đủ tất cả mọi thứ từ ly, chén, đôi đũa, bếp gas, bình thủy, nồi niêu, bộ đồ… đều sẵn sàng, chỉ lúc “hữu sự” thì xách mà chạy theo con đi khắp các bệnh viện.
Lúc đầu, bà Hai còn nằm ngoài hành lang bệnh viện, cứ né qua né lại, cho tới dần quen rồi, bác sĩ dành hẳn cho một cái giường. Bệnh viện quen đến mức bác sĩ cho phép bà ra chợ, coi món gì con thích thì mua về nhóm bếp nấu cho con ăn. Bởi bà là mẹ mới biết con mình thích cái gì. Suốt ngày bà loay hoay trong bệnh viện, phụ y công, y tá chuyện này chuyện nọ, giúp thương binh trong khoa khi con bà ngủ vùi.
Đêm bệnh viện, mọi người ngủ hết, bà lọ mọ mở rổ trầu, têm cho mình một miếng trầu đỏ rồi cầm tờ báo đọc canh con ngủ tới sáng. Anh Hiến kể những mùa tết trong bệnh viện, má anh ở tới khuya, lau mình, tắm rửa cho con sạch sẽ rồi mới về nhà cúng giao thừa. Sáng mồng một tết lại vào bệnh viện thật sớm, sáu năm liền bà luôn là người “xông đất” bệnh viện.
Nửa đêm về sáng, lúc thảnh thơi ngắn ngủi, bà Hai mở rổ trầu2. Và trong sáu năm ấy, quá nhiều biến cố xảy ra với gia đình bà Hai. Anh Hiến từ chiến trường Campuchia về được hai tháng, bà Hai theo con vào sống trong bệnh viện thì một ngày hung tin ập tới: chồng bà bị tai biến, vừa mất tại nhà. Bà điếng hồn, gửi vội con, chạy về lo tang chồng. Chôn cất chồng xong, lại vô bệnh viện. Một tháng sau, hung tin lại tới: mẹ bà mất ở quê nhà Long Xuyên. Vậy là phải gửi con, chạy về quê chịu tang mẹ. Đó là lần cuối cùng bà đi xa nhà, đến nay đã 20 năm.
Bà Hai là người gốc An Giang nhưng ở Sài Gòn lâu lắm rồi. Có chồng năm 20 tuổi, sinh 12 đứa con cả thảy. Cuộc đời bà gắn với cái xóm rạch Bùng Binh từ thuở nó hoang tàn và nghèo nàn, nước ngập lầy lội cho đến khi nó khang trang thành khu phố. Ngày xưa nước ngập có khi lên đến tận giường, bà cứ hì hục tát nước vì chỉ sợ con bị ướt, cứ vậy mà thâu đêm như con gà mẹ, bà xòe cánh che chở cho 12 đứa con của mình.
Nhà bà từ xưa tới giờ không ăn cơm bằng chén, vì chỗ đâu mà ngồi cho đủ đàn con 12 đứa. Cứ tới bữa cơm, mỗi đứa được phát một tô cơm, ngồi mỗi xó một đứa. Lúc nhỏ, nhà giống như nhà trẻ, khi tụi nó lớn tí, nhà lại giống như trại lính vì toàn là giường tầng, đứa dưới đứa trên, nằm xếp lớp ngủ. Ông bà thì có thể nằm vạ vật đâu đó để canh chừng lũ con. Cuộc đời cứ mãi trôi đi trong hẻm nhỏ của người nghèo cạnh ga Sài Gòn.
12 đứa con cứ vậy mà lớn dần. Bà Hai có thể mỉm cười nhìn thấy từng đứa tự lập được. Nhưng bà có biết đâu, cái phút ấy cũng là bắt đầu những biến cố nghiệt ngã nhất trong cuộc đời người mẹ. Đứa con cả tự dưng bị tâm thần, người ta đưa nó chữa chạy khắp nơi rồi cuối cùng cũng đưa về nhà cho bà. Rồi lại thêm một người con bị điện giật trở nên ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Nhà có hai người con bị tâm thần, bà lại chăm nom chúng như thuở lên hai lên ba. Bệnh tâm thần gặm nhấm thân hai người con dần mòn để rồi cả hai lần lượt qua đời trong cảnh nghèo. Bà còn nhớ như in cái hòm con bà để trong nhà mà mưa trút xuống ướt đẫm.
Đến khi rước anh Hiến về, nhà chỉ còn một cái giường đôi, bà Hai phải cắt ra thành giường đơn cho con nằm. Nhiều lúc nửa đêm, bà ở nhà một mình, nước ngập tới vạt giường, bà phải chạy kêu mấy anh ở phường xuống giúp đưa con lên xe lăn, rồi cột xe trên giường nằm chờ sáng mà ngồi canh con.
Những ngày bà vào sống trong bệnh viện nuôi con, ở nhà đứa con trai út theo bạn ra ga Sài Gòn tập tành hút xách rồi đâm nghiện ngập, ban đầu là hút, sau tới chích. Bà như quị xuống khi người ta đưa con trai út đi cai nghiện.
Rồi lại hung tin ập đến: con bà bị nhiễm HIV/AIDS, đã ở giai đoạn cuối. Bà đưa con về, lại ôm con trong lòng như hồi nó mới chập chững biết đi, đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới điều trị. Hết cách điều trị, thân con lở loét và đau đớn.
Bà mang con về nhà, bà nằm giữa hai người con, một đứa bên trái, một đứa bên phải nằm chệch phía dưới chân. Nằm vậy chứ có bao giờ bà chợp mặt được đâu, hễ con rên nhẹ vì đau là bà bật dậy ngay.
Vết thương lở loét ở lưng Hiến, lở khắp cả người Long, bà đều cẩn thận lau chùi thật nhẹ vì sợ con đau. Bác sĩ bảo: “Bà nên cẩn thận, nếu sơ sẩy là bà bị nhiễm bệnh thì cả ba mẹ con cùng chết, đưa vào viện người ta lo”. Bà nói: “Nó khó tính lắm, chỉ có mình tui mới biết nó đau, nó khó chịu chỗ nào mà lo”. Rồi người con út cũng ra đi trong vòng tay mẹ, và bà sống với người con trai thương binh đã 20 năm qua luôn “đeo dính” bà.
3. Bà nhai trầu thật gọn gàng. Giống như ngôi nhà trong cái hẻm nhỏ của bà: nhỏ mà sạch sẽ tinh tươm, có người bệnh nằm một chỗ hàng chục năm trời mà ít ai biết. Bà ngồi đó, bàn tay cứ vuốt nhẹ lên mái tóc con: “Cũng có lúc tui muốn chết đi cho nhẹ gánh cuộc đời, nhưng cứ nhìn nó nằm thui thủi thì làm sao tui nhắm mắt được đây?”.
Bàn tay bà quẹt ngang khóe mắt, dòng nước chảy ra loang thành vệt trên gò má của bà - những giọt nước mắt màu trắng đục! Những giọt nước mắt ghi dấu thử thách ghê gớm của cuộc đời một người mẹ. Những giọt nước mắt màu trắng đục như không phải là nước mắt mà là những dòng sữa mẹ…
NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG - YẾN TRINH